Giỏ hàng

CHĂM SÓC HẬU MÔN NHÂN TẠO CHO TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ NHỎ

CHĂM SÓC HẬU MÔN NHÂN TẠO  CHO TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ NHỎ


Hậu môn nhân tạo ?

Hậu môn nhân tạo là một lỗ mở được tạo bằng một đoạn ruột ra ngoài thành bụng của bé để dẫn lưu phân ra ngoài. Đoạn ruột này có thể là một phần của ruột non (hồi tràng), ruột già (đại tràng) hoặc niệu quản.

Cũng như người lớn, hậu môn nhân tạo này có thể được mở tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý dẫn đến chỉ định mở hậu môn nhân tạo cho bé.

Sau khi phẫu thuật, bé sẽ cần được sử dụng túi hậu môn nhân tạo để chứa phân dẫn lưu ra ngoài ra thành bụng.

Là cha mẹ, bạn sẽ có thể cảm thấy rất khó khăn khi nhìn thiên thần bé nhỏ của mình phải trải qua những cuộc phẫu thuật khi vừa mới sinh ra và mang hậu môn nhân tạo. Tin vui là sau khi phẫu thuật, những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của bé sẽ được loại trừ để giúp bé tiếp tục cuộc hành trình dài phía trước bên bạn.

Bài viết này không đề cập đến các nguyên nhân dẫn đến chỉ định mở hậu môn nhân tạo ở trẻ sơ sinh (update)

Cùng với sự tiến bộ của y học, sự hỗ trợ của các nhân viên y tế và rất nhiều những người khác đang không ngừng tìm kiếm những giải pháp tốt hơn cho người bệnh, bạn hãy luôn yên tâm rằng mình vẫn có thể mang đến những gì tốt nhất cho bé.

Khi chăm sóc bé với hậu môn nhân tạo, bạn cần lưu ý ba điểm sau:

  • Hãy vẫn ôm ấp và yêu thương bé như một em bé bình thường để bé có thể cảm nhận tình yêu thương của bố mẹ. Chỉ nên hạn chế khi có khuyến cáo của bác sỹ về tình trạng sức khỏe đặc biệt nào đó.
  • Cần có ít nhất hai thành viên trong gia đình học và biết cách chăm sóc hậu môn nhân tạo cho bé để thay phiên nhau lúc một trong hai người vắng mặt và cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau về tâm lý khi chăm sóc con.
  • Bạn luôn có thể tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài như nhân viên y tế, các dịch vụ y tế tại nhà, các hãng chuyên về hậu môn nhân tạo để có thêm thông tin chính xác, hữu ích cũng như sự hỗ trợ về chuyên môn khi cần thiết.

Bài viết này cung cấp những thông tin chung về chăm sóc hậu môn nhân tạo cho bé. Tuy nhiên, mỗi em bé đều rất khác nhau và bạn cần nhớ điều đó. Một sản phẩm hoặc một loại thuốc tốt cho em bé nhà bên cạnh chưa chắc đã phù hợp với bé của bạn. Hãy luôn tham vấn ý kiến chuyên môn của chuyên gia nhé.

MỘT SỐ LOẠI HMNT Ở TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ NHỎ

Hậu môn nhân tao đại tràng (colostomy)

Được mở ra từ một đoạn đại tràng (ruột già) của bé. Phân dẫn lưu ra có thể lỏng hoặc sệt tùy thuộc vào trị trí đường ruột được chọn để tạo lỗ mở.

Hậu môn nhân tạo hồi tràng (ileostomy)

Được mở ra từ một đoạn hồi tràng (ruột non) của bé. Phân dẫn lưu ra thường ở dạng lỏng và chứa nhiều men tiêu hóa nên có tính kích ứng da rất cao. Bạn cần hết sức lưu ý trong chăm sóc bé, đặc biệt là bảo vệ vùng da xung quanh hậu môn nhân tạo của bé được khỏe mạnh và toàn vẹn.

Mở niệu quản ra da (urostomy)

Được mở ở thành bụng để dẫn lưu nước tiểu từ thận qua niệu quản đến lỗ mở ở thành bụng và ra ngoài túi chứa. Một số trường hợp có thể là dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang của bé.

THẮC MẮC VỀ HẬU MÔN NHÂN TẠO

Hậu môn nhân tạo trông như thế nào?

Hình ảnh hậu môn nhân tạo ở trẻ sơ sinh.

hậu môn nhân tạo có màu đỏ, ẩm và mềm mại khi chạm tay vào. hậu môn nhân tạo có thể có hình tròn hoặc oval. Về độ nhô,hậu môn nhân tạo có thể bằng với mặt da bụng của bé hoặc nhô ra ngoài. Thể chất của hậu môn nhân tạo giống như niêm mạc bên trong miệng. Hậu môn nhân tạo có nhiều mạch máu nên nếu bị trầy xước nhẹ sẽ gây chảy máu trong khi làm vệ sinh hoặc dán túi. Lúc bé khóc hoặc gồng người, bạn có thể quan sát thấy hậu môn nhân tạo hơi mất màu đỏ, vài phút sau sẽ trở lại màu bình thường.

Bạn cần cho bé đến bệnh viện khám ngay khi quan sát thấy một hoặc các hiện tượng sau:

  • Hậu môn nhân tạo chuyển màu nâu tối, tím tái hoặc đen
  • Máu trong phân chảy ra từ trong hậu môn nhân tạo

Khi tôi chạm vào hậu môn nhân tạo thì có làm bé đau không?

Hậu môn nhân tạo không có các đầu tận cùng thần kinh nên bé sẽ không thấy đau khi phân hoặc nước tiểu đi qua, cũng như khi bạn chạm vào. Cảm giác chạm vào hậu môn nhân tạo cũng tương tự như khi chạm lưỡi vào bên trong thành miệng. Khi đã lành sau ca mổ, bé có thể bò được trừ khi bác sỹ khuyên không nên.

Hậu môn nhân tạo của bé có thay đổi gì sau khi phẫu thuật không?

Hậu môn nhân tạo có thể thay đổi kích cỡ và hình dạng trong vòng vài tháng sau khi mổ. hậu môn nhân tạo có thể hơi thụt vào trong, bằng mặt da bụng, nhô ra ngoài vừa phải hoặc nhô ra nhiều (sa). Cần thận trọng tránh để hậu môn nhân tạo của bé bị chèn ép, tổn thương do tã (bỉm), đai đeo, quần áo hoặc các vật dụng khác.

 Khi bé phát triển,hậu môn nhân tạo cũng sẽ lớn lên dần. Bạn cần thường xuyên đo lại kích cỡ hậu môn nhân tạocủa bé khi thay túi để đảm bảo cắt được lỗ mở trên đế dán đúng với kích cỡ tại thời điểm thay túi cho bé.

Đo kích cỡ hậu môn nhân tạo cho bé trước khi cắt túi mới.

THAY TÚI CHO BÉ

Khi nào thì tôi nên xả túi cho bé?

Thông thường, nên xả túi khi túi đầy khoảng một phần ba (1/3). Việc xả túi thường xuyên sẽ giúp túi không bị nặng và kéo ra khỏi da dẫn đến rò rỉ phân. Nếu túi đầy phân hơn mức một phần ba, túi sẽ nặng và bị trọng lực kéo ra hướng ngoài, làm căng da bé ở vùng dán và tăng khả năng bung túi. Nếu để túi đầy quá cũng sẽ khó xả túi.

Sau khi xả túi, bố mẹ nhớ dùng khăn giấy lau sạch phần miệng xả để tránh mùi hôi và dính vào quần áo bé. Cần kiểm tra kỹ để chắc chắn là phần kẹp miệng túi không cọ vào da bé. Nhiều bố mẹ cảm thấy dễ dàng hơn khi xả túi cho bé mỗi 3 – 4 giờ vào tã (bỉm) hoặc khi cần, đối với các bé nhỏ.

Với các bé lớn hơn, bố mẹ có thể dạy bé vào toilet và xả trực tiếp vào bồn cầu. Trước khi xả cần dặn bé cho một ít giấy vệ sinh vào bồn, trên mặt nước để tránh phân bắn lên trên khi xả túi.

 Một túi dán hậu môn nhân tạo có thể mang được bao lâu?

Mỗi em bé đầu khác nhau. Thời gian mang túi cũng tùy vào đặc điểm cũng như sự khác biệt của mỗi bé như kích cỡ hậu môn nhân tạo, mức độ vận động của bé, độ sệt hoặc lỏng của phân. Dần dần, bố mẹ sẽ xác định được lịch chăm sóc và thay túi cho bé, tạo một thói quen như sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Túi dán cho trẻ nhũ nhi có thể cần thay mỗi ngày, với trẻ lớn hơn thì có thể mỗi 3 – 4 ngày.

Bố mẹ cần lưu ý là phân lỏng sẽ làm giảm độ dính của túi dán trên da. Bố mẹ cần quan sát xem ở thời điểm nào trong ngày thì hậu môn nhân tạo của bé ít hoạt động nhất (ít ra phân nhất) để chọn làm thời điểm thay túi cho bé, ví dụ như thời điểm trước mỗi bữa ăn trẻ.

Trẻ em thường nghịch ngợm và hay tò mò với những điều lạ lẫm. Với các bé nhỏ, bố mẹ có thể cho mặc trang phục áo liền quần để bé không chạm tay vào túi dán.

Luôn thay túi ngay khi có dấu hiệu túi dán bung hoặc rò rỉ phân dưới đế dán để tránh phân tiếp xúc với da bé gây kích ứng, viêm lở da.

Bố mẹ có thể cho bé tắm khi không mang túi dán được không ?

Tắm bé không làm tổn thương cho hậu môn nhân tạo. Nhiều bố mẹ vẫn tắm cho bé khi mang túi (trong bồn tắm hoặc chậu tắm) khi mang túi để phân không ra ngoài vào nước tắm, rồi thay túi cho bé sau khi tắm xong. Lưu ý dùng xà phòng dịu nhẹ, không dầu để không ảnh hưởng đến độ dính của túi dán. Làm sạch da xung quanh hâu môn tạm của bé, lau khô hoàn toàn trước khi dán túi mới.

Điều gì gây kích ứng da của bé?

 Vết thương nhiễm khuẩn quanh hậu môn nhân tạo của bé do dùng túi tự chế lâu ngày

 Một trong những nguyên nhân phổ biến gây kích ứng da bé là do phân/nước tiểu dính vào vùng da xung quanhhậu môn nhân tạo. Với các bé mới được phẫu thuật, bố mẹ chưa quen với thao tác cắt dán túi, có thể dùng loại túi không đúng cỡ hoặc có thể do cắt lỗ mở trên đế dán quá to để lại khoảng trống trên da bé.

Hiện nay, nhiều bố mẹ mua các loại túi tự chế (may túi nilon vào bỉm/tấm lót vệ sinh và cột lại bằng dây thun may quần áo). Những túi này không đảm bảo các tiêu chí cần có của túi dán chứa phân (túi hậu môn nhân tạo), không đảm bảo độ bám, phải tay túi nhiều lần trong ngày và nguy hiểm nhất là không bảo vệ được da cho bé, dễ gây những biến chứng liên quan đến hậu môn nhân tạo.

LƯU Ý VỀ DINH DƯỠNG CHO BÉ CÓ HẬU MÔN NHÂN TẠO

Bé có thể bị mất nước không?

Có. Nếu phân và nước tiểu thoát ra mà bé không được bù đủ nước và dịch, đặc biệt là khi bé ốm kèm theo nôn ói hoặc tiêu chảy. Cần cho bé đến bác sỹ nếu có các dấu hiệu sau:

  • Bé không chịu bổ sung dịch
  • Bé không đi tiểu hoặc tiểu ít trong vòng 4 – 6 giờ (đặc biệt quan trọng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ)
  • Bé ít vận động hoặc buồn ngủ nhiều hơn bình thường
  • Nước tiểu của bé có màu vàng sậm
  • Niêm mạc miệng khô
  • Mắt trũng

Bố mẹ có cần cho bé ăn theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt gì không?

Điều này tùy thuộc vào ý kiến và dặn dò của bác sỹ trước khi cho bé xuất viện (nếu bác sỹ không dặn thì bố mẹ cũng nên nhớ để hỏi nhé). Nếu không có dặn dò gì đặc biệt của bác sỹ thì bố mẹ có thể cho bé ăn theo chế độ ăn bình thường với nhiều loại thực phẩm đa dạng để đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé. Ban đầu nên cho bé ăn từ từ với nhiều bữa ăn nhỏ. Lưu ý cho bé uống nhiều nước để bổ sung dịch, tránh mất nước.

Những loại thực phẩm nào có thể tạo ra sự thay đổi về thể chất phân của bé?

Các chế phẩm từ sữa (sữa, phô mai, yogurt), tinh bột (mỳ, gạo, khoai tây), bánh mì, chuối, bơ đậu phộng có thể làm sệt phân.

Các thực phẩm có thể làm lỏng phân gồm trái cây tươi và nước trái cây tươi, đậu xanh, thực phẩm chiên, chocolate và thức ăn nhiều gia vị.

Bố mẹ cần lưu ý vẫn cho bé ăn đủ các nhóm thực phẩm trên, chỉ điều tiết lượng trong khẩu phần nếu thấy phân bé quá lỏng hoặc quá sệt, không nên kiêng cữ quá mức.

Tắc nghẽn

Tắc nghẽn có thể xảy ra, đặc biệt là với bé có hậu môn nhân tạo hồi tràng (ileostomy) vì ống tiêu hóa hẹp hơn loại đại tràng. Một số thực phẩm khó tiêu cũng có thể góp phần gây tắc nghẽn. Vì vậy, cần lưu ý cho bé ăn chậm và nhai thật kỹ để phòng ngừa.

Một số thực phẩm có khả năng gây tắc nghẽn như bắp và bắp rang bơ, cần tây, trái cây sấy khô, hạt, đậu hạt, vỏ rau củ hoặc vỏ hoa quả, đậu, thịt chế biến như xúc xích. Cần báo ngay cho bác sỹ nếu bé có các triệu chứng như:

  • Đau bụng
  • Sưng nề bụng hoặc hậu môn nhân tạo
  • Phân lỏng nhiều hơn bình thường (kèm theo mùi)
  • Phân ít hoặc không có phân trong 4 giờ
  • Bé không thể ăn hoặc uống
  • Bé nôn ói
  • Bé khó chịu, bứt rứt

Cái gì gây sinh hơi?

Do bé nuốt phải không khí như khi khóc, mút ti giả, uống bằng ống hút…

Một số loại thực phẩm như đậu, nước uống có gas và rau họ cải cũng có thể gây sinh hơi.

Nếu túi căng phồng do đầy hơi, bố mẹ chỉ cần mở phần miệng túi bên dưới để xả hơi, sau đó kẹp lại.

VÀ CUỐI CÙNG, MỘT SỐ LƯU Ý NHỎ CHO BỐ MẸ!

Hãy luôn lấy thời gian gần gũi chăm sóc bé làm niềm vui.

 Luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi vật dụng trước khi thay túi cho bé. Bố mẹ có thể chuẩn bị riêng một túi/hộp chứa những thứ cần thiết để có thể lấy ngay khi cần và mang theo nếu cho bé đi chơi.

  • Xả phân cho bé vào bỉm và cuộn bỏ bỉm như bé đi vệ sinh bình thường.
  • Không nên thay túi dán cho bé quá thường xuyên nếu không cần thiết vì da bé còn rất mỏng manh. Tháo túi nhiều lần sẽ lấy đi các lớp tế bào mới chưa kịp tái tạo trên da bé.
  • Để tháo túi nhẹ nhàng mà không gây đau cho bé, bố mẹ có thể dùng các miếng lau tẩm silicon. Không dùng các sản phẩm chứa chất dầu hay lotion.
  • Luôn kiểm tra kỹ hậu môn nhân tạo của bé và vùng da xung quanh vào mỗi lần thay túi để kịp thời phát hiện các bất thường, nếu có.
  • Luôn dự trữ sẵn một lượng túi cần thiết để dùng cho bé, đặc biệt là trước khi cho bé đi chơi tránh trường hợp nhà cung cấp hết hàng hoặc đi xa nhà không tìm được chỗ mua.

CÁC VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI CHĂM SÓC BỆNH NHÂN CÓ HMNT

(Khoa Ngoại A5 – Bệnh viện Nhi Trung Ương)

Tai biến khi chăm sóc:

Viêm loét da quanh hậu môn nhân tạo:

  • Nguyên nhân : phân ra liên tục,phân lỏng và pH kiềm tính.
  • Cách xử trí: Vệ sinh sạch bằng nước lá chè xanh, nước muối sinh lí.Dùng sản phẩm chăm sóc da kẽm oxid , mỡ kháng sinh…Không sử dụng các dung dịch cồn.
  • Hậu môn nhân tạo tụt vào xoang bụng :  cần đưa trẻ quay lại bệnh viện ngay.
  • Hậu môn nhân tạo lộn ra ngoài (lộn vòi voi hay sa hậu môn nhân tạo ).
  • Chảy máu chân hậu môn nhân tạo : dùng gạc mềm trong quá trình làm không chà sát lên đầu ruột đưa ra ngoài

Hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà :

  • Chuẩn bị dụng cụ :

Nước muối sinh lý 0,9 % hoặc nước sạch ấm hoặc nước lá chè xanh

Găng tay, kéo, bông, gạc sạch mềm, bát đựng nước 

Túi làm HMNT, thuốc mỡ kháng sinh hoặc kẽm oxit nếu có viêm

  • Các bước tiến hành thay túi hậu môn nhân tạo:

Rửa sạch tay

Đặt miếng lót dưới lưng bệnh nhân, về phía có hậu môn nhân tạo

đeo găng tay tháo bỏ túi hậu môn nhân tạo cũ đồng thời dùng giấy vệ sinh thấm lau bỏ phân còn dính trên miệnghậu môn nhân tạo và quanh da.( thao tác nhẹ nhàng tránh tổn thương da, niêm mạc)

Thay găng tay dùng bông gạc thấm nước muối sinh lý 0,9 % hoặc nước sạch ấm hay nước chè xanh rửa nhẹ nhàng vùng da quanh HMNT

Dùng gạc mềm thấm khô

Bôi mỡ kháng sinh (oxit kẽm ) nếu da viêm.

Đặt gạc có cắt lỗ vào chân hậu môn nhân tạo

Lắp túi hậu môn nhân tạo và cố định túi hậu môn nhân tạo

Làn da bé rất mỏng manh. Các bố mẹ hãy nâng niu da bé như nâng niu bé yêu của mình nhé.

Kết nối mạng xã hội

Hotline chăm sóc khách hàng

0948 575 878

Hotline tiếp nhận khiếu nại

0868 539 395

Đăng ký nhận tư vấn từ AMC Việt Nam

Facebook Instagram Youtube Top

Lấy lại mật khẩu

0948575878